Tôi không là một nhà tâm lý, bài chia sẻ này xuất phát từ những gì tôi nhìn thấy được, cảm nhận được.
Lên án các sự việc vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức là điều nên làm, nhưng lên án khi chưa nắm được sự tình thì đó là một sự “a dua” nguy hiểm.
Bài viết chỉ trao đổi ở phạm vi học sinh và trong khuôn viên nhà trường, còn ở phạm vi rộng lớn hơn mời đọc giả cùng chiêm nghiệm và phát hiện thêm nhé.
Với sự phát triển mạnh mẽ về Internet, mạng xã hội, nếu quan sát bạn sẽ thấy trung bình bây giờ mỗi học sinh có trong tay điện thoại thông minh (thậm chí còn cả máy tính bảng, laptop,…)
Khi có một sự kiện (thường là xấu) được truyền cho nhau (có thể là một đoạn tin nhắn, một đoạn chat không đầy đủ, một lời nghe lại từ người khác, một sự suy đoán, …) thì lập tức chúng sẽ được lan truyền rất nhanh (trong học sinh) nhờ vào sự hiếu kì, và cứ qua mỗi người thì đã thuộc dạng “tam sao thất bản” đôi khi sẽ không còn là sự thể ban đầu nữa.
Điều đáng nguy hại hơn là đôi khi còn có cả trường hợp GV bị kéo vào cuộc, thông qua sự tò mò hỏi thăm, truyền lại, xử lý chưa khéo léo… (vô hình trung lại nhân rộng sự truyền thông nguy hiểm này).
Ngoài ra, chưa kể đến các thế lực xấu có thể tận dụng điều này để “bơm” vào một số sự thêu dệt để tạo truyền thông nhằm đạt một mục đích khác.
Thế là đến những người trong cuộc, có hai trường hợp xảy ra ở đây.
Trường hợp 1: là nếu sự kiện đấy là một sự thật thì rõ ràng việc lên án thúc đẩy sự vào cuộc của pháp luật là hợp lý, và cơ quan chức năng nhà trường cần âm thầm làm điều này khi chưa có một bằng chứng chính thức nào. Tôi nhấn mạnh sự “âm thầm” cho các bậc giáo dục nếu đang đọc bài này, để đừng tự biến mình thành một tác nhân trong chuỗi dây chuyền này nếu không xảy ra trường hợp 1.
Trường hợp 2: Sự kiện đấy không đúng, thông qua “tam sao thất bản” câu chuyển được đẩy lên cao, kết hợp các dụng ý xấu bên ngoài nữa thì hậu quả khôn lường cho cả người bị hại, lẫn những tác nhân quy về tội “vu khống”.
Điều này thì ai cũng biết rồi, nhưng cái tôi muốn đề cập ở đây là
HỌC SINH (nạn nhân) CẦN LÀM GÌ KHI RƠI VÀO TRƯỜNG HỢP NÀY?
Câu trả lời theo tôi là:
- Nếu bạn rơi vào trường hợp 1, bạn phải tự thú trước ánh bình minh để nhận được sự khoan hồng (câu này có vẻ nghe lý thuyết quá hén, nhưng thiệt, tui chả có cách nào hơn nữa đâu, đã vi phạm thì còn gì để nói nữa).
- Nhưng nếu bạn rơi vào trường hợp 2 thì mới là tình huống quan trọng nè:
KHÔNG CẦN LÀM GÌ CẢ.
KHÔNG CẦN LÀM GÌ CẢ!
Điều quan trọng nên tôi nhắc lại hai lần, ở đây “không cần làm gì cả” tức là ta không cần phải minh oan, không cần giải thích, không cần phải lên mạng xã hội để comment giải thích cho từng câu hỏi nghi vấn hay phân bua, thậm chí là chưởi bới ngược lại. Vì làm như thế để là gì? để tăng thêm dư luận ư? nếu rảnh thì có thể hỏi thăm để dò từ từ coi cái nguồn tin đó có từ đâu.
Hầu hết các xuất phát điểm của những “sự kiện tin đồn” này là những tin đồn nặc danh, là một đoạn chát ngắn không đầy đủ giữa các bạn, là một sự tưởng tượng suy luận từ một hiện tượng nào đó, là một vài mẫu trao đổi giữa 1-2 cá nhân có hiềm khích với nhau, v.v….Thế thì tại sao ta lại phải đi giải thích cho những thứ không chính thống đó nhỉ? thay vì vậy nếu rảnh, thì lưu giữ lại các minh chứng liên quan để phục vụ sau này khi cần thiết.
À, chưa hết nữa, bạn đi giải thích cho những tin đồn không chính thống đó để làm gì? có ai tin bạn không? hay càng mệt thêm. Chừng nào Ban giám hiệu, giáo viên, chính quyền, …gặp trực tiếp bạn để làm việc lúc đó mới là tới công, tới chuyện. Còn đây chỉ là những mẫu tin truyền nhau giữa các bạn HS thôi mà ??? Tôi hiểu! càng bạn lo sợ về uy tín của mình, các bạn hoang mang vì bạn bè mình sẽ nghĩ xấu về mình, các bạn lo sợ nó đồn đi khắp các trường….Ơ kìa, các bạn càng vào cuộc thì nó càng đồn đi nhanh á nha. Bạn tưởng tượng đi, một tên biến thái khi show hàng thì nó cần gì? nó cần đối phương của nó phải hoảng hốt, phải sợ, phải tỏ ra e dè, phải chú ý về hắn….thì mới thỏa mãn, và bạn càng la càng thỏa mãn cho hắn, nhưng nếu bạn tỏ ra bất cần đời, cảm thấy bình thường, thậm chí mượn nó để khám phá, thí nghiệm thì nó chán ngay thôi (tôi nghĩ lúc đó nó còn chạy nhanh hơn bạn)
Tôi không bài trừ sự tố cáo, bởi vì như tôi nói, nếu đúng, sự tố cáo mang lại sự công bằng, nhưng vấn đề là cách thức nào? Biết bao nhiêu cách đấu tranh chống lại cái xấu trong trường học vẫn có mà: Confession của một trường nè, thư giấu tên gửi đến thùng thư hiệu trưởng, một email giấu tên gửi cho GV đủ sự tin tưởng để trình bày sự thật, báo cho PH để PH báo cho trường v.v….
Đang viết mà phải lên tiết nên tôi phải ngừng lại đây.
Thay lời kết: Tôi không khuyên hay cấm các bạn học sinh khác kiểu giáo điều như “các bạn hãy tập đọc thông tin trước khi chia sẻ, hay các em phải biết văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, ….” nó xưa rồi, và giả sử có cấm thì có ngăn các bạn được đâu. Tôi chỉ căn dặn học sinh tự biết mà tự bảo vệ mình là tốt rồi, bởi ai cũng có thể mắc phải.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài nha, mình viết chắc không được hay lắm, nên bạn cứ comment xuống đây những gì góp ý nhé, có thể đó là một quan điểm, là một góp ý nào đó, tất cả đều được ghi nhận một cách trân trọng nha.