Cách chọn nghề và tiếp sức mùa thi cho con

Sáng nay, 3/4/2022, tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng (Khoa Tâm lý giáo dục – Trường ĐHSP) có một buổi nói chuyện với phụ huynh và học sinh lớp 12 của trường THTH ĐHSP về chuyên đề “Cách chọn nghề và tiếp sức mùa thi cho con”.

Sau đây là một số nội dung được sưu tầm, ghi lại để bố mẹ hoặc học sinh nào quan tâm thì đọc nhé:

1. Nên chọn nghề theo tiêu chí nào?

Thật sai lầm nếu chọn nghề chỉ dựa trên những tiêu chí như nghề đang “hot”, nghề kiếm nhiều tiền hay nghề nhàn hạ “ngồi mát ăn bát vàng”,…Thay vào đó, chúng ta chọn nghề dựa trên các tiêu chí: năng lực/năng khiếu; tính cách; sở thích/đam mê; nhu cầu xã hội; nguồn lực gia đình.

2. Làm cách nào để bố mẹ định hướng cho con lựa chọn đúng nghề?

– Xem xét học lực của con (môn học trội, môn yêu thích).

– Tìm hiểu/Cung cấp thông tin nghề nghiệp cho con:

+Đặc điểm nghề nghiệp: thu nhập, điều kiện làm việc.

+Giá trị của nghề (tinh thần, vật chất): Bố mẹ cho con biết giá trị, ý nghĩa của nghề mà con sẽ theo đuổi để con nhận thức sâu sắc hơn về nghề mình lựa chọn.

+Cho biết mặt trái của nghề: Cho con biết mặt trái của nghề để con nhận thức rõ những giá trị, ý nghĩa và cả những thử thách, những mặt trái của nghề để tránh rơi vào tình trạng thất vọng, “vỡ mộng” nếu sau này đi làm nhận ra những khó khăn của nghề. Nếu con biết những mặt trái của nghề mà con vẫn quyết tâm theo đuổi thì con sẽ không rơi vào tình trạng chọn nhầm nghề, chán nghề.

+Yêu cầu về năng lực và phẩm chất.

– Cho con trải nghiệm:

+Tham quan nơi làm việc.

+Tiếp cận chuyên gia.

+Thực hành, làm thử: Khi các con thực hành, trải nghiệm, các con sẽ nhận thức rõ năng lực của mình phù hợp với nghề nào; công việc ấy mình có đam mê hay không,..

– Làm các bài trắc nghiệm/Tư vấn: Cần cần lưu ý các bài trắc nghiệm cũng chỉ mang tính tham khảo, không có tính quyết định.

3. Những trường hợp “rắc rối” xảy ra trong việc chọn nghề của con

– Con chọn nghề khác với mong muốn của bố mẹ.

– “Ảo tưởng sức mạnh”, chọn nghề không phù hợp với khả năng của mình.

– “Nặng tình với bạn bè”: con chọn nghề để được học chung với bạn bè thân thiết từ thời học sinh.

– Thụ động, ỷ lại vào cha mẹ: Cha mẹ chọn nghề nào con theo nghề ấy, không quan tâm con có yêu thích, phù hợp hay không.

4. Giải pháp nào cho những trường hợp trên?

– Trò chuyện/Đối thoại với con: Phải có sự đối thoại, lắng nghe từ 2 phía.

– Phân tích thiệt hơn.

– Để con suy ngẫm và tự quyết định.

– Nhờ “người thứ 3”:

+Người thân có sức ảnh hưởng

+Chuyên gia

– Chấp nhận thử nghiệm

Nếu phân tích thiệt hơn mà con nhất quyết vẫn không chọn nghề theo định hướng của bố mẹ, hãy để cho con trải nghiệm/thử nghiệm. Helen Keller từng nói rằng: “Cuộc sống là một chuỗi bài học mà bạn cần phải sống mới hiểu được”. Mọi trải nghiệm đều là bài học quý đối với chúng ta. Tuy nhiên, khi để cho con trải nghiệm, bố mẹ không nên thách thức kiểu: “Đó là do con chọn chứ không phải bố mẹ chọn, sau này có khổ thì ráng chịu đừng than”. Nếu nói như vậy, sau này lỡ con không thành công với lựa chọn của mình, các con cần lời động viên cũng không dám tâm sự với bố mẹ.

5. Làm thế nào để học hiệu quả?

– Phân bố thời lượng hợp lý giữa các môn học.

– Cách học đa dạng (đọc, ghi, lập dàn ý, làm bài tập,…)

– Học xen kẽ các môn.

– Cân đối giữa học – chơi – làm.

– Học lúc thể trạng sảng khoái.

6. Phụ huynh hướng dẫn cách làm bài thi

– Phân bố thời lượng giữa các câu phù hợp; dành thời gian xem lại bài.

– Làm trước câu dễ.

– Chuyển câu khi chưa có giải pháp.

– Tạm dừng, nghỉ ngơi vài phút khi bế tắc:

Có những trường hợp vì quá lo lắng, mất bình tĩnh nên học sinh quên sạch bài học, không biết làm theo hướng nào. Khi ấy, ta không nên cố mà tạm nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc để lấy lại bình tĩnh. Từ đó, có khi đầu óc ta sáng suốt, minh mẫn hơn.

– Không gây áp lực thành tích.

– Mong muốn phù hợp khả năng của con

– Giữ thái độ bình tĩnh, lạc quan.

– Kiên trì động viên con, tránh thúc ép, phàn nàn. Khi con không làm được bài, thay vì nói: “Sao con làm tệ vậy, làm như thế sao đậu được?” thì phụ huynh hãy nói: “Thôi con rút kinh nghiệm để bài thi sau làm tốt hơn”.

7. Biểu hiện một tương lai vẹn toàn của con và bản chất của thành công

– Một tương lai vẹn toàn là như thế nào? Là có sức khỏe, thành đạt và hạnh phúc? Thành đạt thì tốt nhưng đích cuối cùng của con vẫn là sức khỏe, là hạnh phúc. Thành đạt chưa chắc hạnh phúc. Làm ông này bà nọ chưa chắc hạnh phúc. Không quá thành đạt vẫn hạnh phúc là ổn rồi.

– Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng đó là kết quả hoàn hảo trong công việc? Hay đó là cách nói khác của từ “thành đạt”, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Không hẳn như vậy. Thành công cũng có thể là khi bố và con trai có dũng khí bước bếp, nấu những món ăn mẹ yêu thích nhân ngày 8.3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang…màu đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại rất thành công khi tặng mẹ “đóa hồng” của tình yêu. Đó là một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá bởi vì ta cảm nhận được niềm hạnh phúc long lanh in trong mắt mẹ. Mình rất tâm đắc ý này. Nó rất phù hợp với quan niệm sống của mình. Cái đích cuối cùng không phải là ông nọ bà kia, danh vọng địa vị, bằng cấp này bằng cấp nọ. Cái đích vẫn là hạnh phúc. Ta học hành, làm việc, phấn đấu hết mình trong cuộc sống là để bản thân ta hạnh phúc và mang đến hạnh phúc cho gia đình, người thân, con cái mình. Chỉ cần có một nghề nghiệp ổn định, làm được điều mình thích, kiếm tiền lo được cho bản thân và gia đình, sống yêu thương, quan tâm, đem đến niềm vui cho nhau là đủ hạnh phúc. Mải miết chạy theo những giá trị ảo, những giá trị nhất thời mà không quan tâm đến những giá trị bền vững thì khó có được hạnh phúc lâu dài.

8. Bao giờ con được hạnh phúc?

– Xây dựng quan điểm lành mạnh về giá trị nghề nghiệp.

– Giúp con nhận trách nhiệm cuộc đời mình.

– Tôn trọng ước mơ, cảm xúc của con. Bố mẹ đồng hành, tư vấn, không áp đặt con…


Bài viết được trích từ bài đăng của cô Bùi Xuân Thụy An-GV Văn trường Trung học Thực hành. chúng tôi cũng muốn lưu lại để dành sau này đọc nên cũng đã xin phép post lên đây.

Share

Written by:

le chanduc

89 Posts

View All Posts
Follow Me :
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Mình rất thích suy nghĩ của bạn, bình luận bên dưới nhax

Bạn đã đăng kí thành công, cảm ơn bạn nha

Có một chút lỗi, bạn vui lòng làm lại nha

EDUCATION will use the information you provide on this form to be in touch with you and to provide updates and marketing.